NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt trong đó muỗi Aedes Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào các tháng mùa mưa.

sốt xuất huyết

Muỗi vằn là trung gian gây bệnh sốt xuất huyết

Giúp bạn nhận biết sốt xuất huyết

        Theo các bác sĩ đầu ngành, ở người lớn có 2 dạng sốt xuất huyết: dạng biểu hiện ra bên ngoài và dạng không biểu hiện ra bên ngoài (thường gặp nhất là xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết não).

     Sốt xuất huyết tiêu hóa (trong ruột) ở người lớn có biểu hiện ban đầu rất bình thường. Bệnh nhân chỉ sốt, ít ho, không sổ mũi, không nổi ban. Sau 1 hoặc 2 ngày, bệnh nhân sẽ đi tiểu ra máu và bắt đầu có những hạt lấm tấm trên da, người xanh xao.

     Sốt xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng. Nhưng nếu không phát hiện kịp thời rất dễ gây tử vong. Ban đầu, người bệnh có biểu hiện sốt, nhức đầu.Ngay sau đó tay bị tê liệt, không thể cử động. Cuối cùng, người bệnh sẽ bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong. “Đối với các trường hợp này, bác sĩ không thể cứu chữa kịp vì tiến triển bệnh quá nhanh”, bác sĩ Hiền nhận định.

    Dạng sốt xuất huyết có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng ồ ạt hơn ở trẻ em. Thời gian bị sốt cũng kéo dài hơn, khoảng 11-12 ngày. Sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất chính là lúc mạch huyết áp bị kẹt. Từ đó bắt đầu sinh ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, suy gan, đông máu. Tỷ lệ biến chứng ở sốt xuất huyết người lớn là khoảng 5%.

Cách điều trị sốt xuất huyết

    Sốt xuất huyết được chia làm 4 độ.

    – Độ I: Sốt đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày; dấu hiệu dây thắt dương tính.

   – Độ II: Sốt đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày; dấu hiệu dây thắt dương tính. Đi kèm theo xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc niêm mạc.

   – Độ III: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhỏ, huyết áp kẹt, hạ huyết áp kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã, li bì.

   – Độ IV: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được (HA = 0).

     Khi bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà.

     Nếu sốt cao trên 39oC nên cho bệnh nhân uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ. Cấm dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết.

     Bệnh nhân có thể bù dịch sớm bằng đường uống. Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol, nước sôi để nguội, nước trái cây  hoặc nước cháo loãng với muối. Nên chú ý xem xét truyền dịch nếu người bệnh ở độ I và II mà không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, lừ đừ, dung tích hồng cầu tăng cao mặc dù huyết áp vẫn ổn định. Dịch truyền bao gồm: Ringer lactat, NaCl 0,9% (những trường hợp này phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa). Ở bệnh nhân trên 15 tuổi, có thể xem xét ngừng truyền dịch khi hết nôn, ăn uống được.

điều trị sốt xuất huyết

            Nguồn: Theo suckhoechomoinha.org