Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng Kẽm trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em
Kẽm là một trong những khoáng chất cần thiết cho trẻ khi bị tiêu chảy. Tăng cường bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian này là lời khuyến cáo của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em. Trong các loại kẽm thì kẽm gluconat có tác dụng hiệu quả nhất.
Kẽm có tác dụng phục hồi biểu mô ruột, giảm độ nặng của tình trạng tiêu chảy. Vì thế điều trị tiêu chảy phải bổ sung kẽm. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy nên bổ sung oresol có độ thẩm thấu thấp sẽ hiệu quả hơn dùng oresol trước đây.
Đó là khuyến cáo mới nhất trong hướng dẫn về xử trí tiêu chảy ở trẻ em mà Bộ Y tế vừa ban hành, công bố rộng rãi ở tất cả các tuyến bệnh viện để hướng dẫn bác sĩ thực hiện theo những điểm mới này, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh hồi phục hơn.
Theo Bộ Y tế, kẽm là một vi chất rất quan trọng cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em. Kẽm cũng có vai trò rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch của trẻ. Hơn nữa, nó có tác dụng tốt trong việc hồi phục biểu mô ruột, vì thế, việc bổ sung kẽm trong tiêu chảy ở trẻ em là rất cần thiết.
Các nghiên cứu đều đã chứng minh, khi bệnh nhân bị tiêu chảy mà được bổ sung kẽm sẽ làm giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng phân, giảm mức độ nặng và giảm thời gian mắc bệnh so với những người bị tiêu chảy mà không dùng kẽm. Chưa kể, việc dùng kẽm trong dự phòng, bổ sung đủ kẽm cũng làm giảm tỷ lệ tiêu chảy. Vì thế, việc điều trị tiêu chảy cho người bệnh sẽ bắt buộc phải bổ sung kẽm.
Bên cạnh đó bệnh nhân bị tiêu chảy cần sử dụng oresol có độ thẩm thấu thấp sẽ hiệu quả hơn so với oresol cũ trước đây. Dung dịch oresol (mới) có nồng độ natrichlorid 2,6g/l; glucose 13,5g/l và có tổng độ thẩm thấu (245mOsm/l), trong khi đó dung dịch oresol (cũ) có nồng độ natrichlorid 3,5g/l; glucose (20g/l) và tổng độ thẩm thấu (311mOsm/l). Do oresol mới có nồng độ thẩm thấu thấp sẽ làm giảm số lần đi ngoài, giảm số lượng phân và giảm được tình trạng nôn. Còn oresol cũ trước đây có độ thẩm thấu cao so với huyết tương nên có thể gây tăng natri máu, đồng thời gia tăng khối lượng phân thải ra, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo để phòng tiêu chảy trẻ em, trẻ nên được uống vắc xin Rotavirus theo đúng độ tuổi hướng dẫn. Vì Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi nên đưa trẻ đi uống vắc xin để ngăn ngừa trẻ khỏi sự tấn công của Rotavirus. Phác đồ chủng ngừa bao gồm 2 liều vắc xin uống, sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều vắc xin là 1 tháng.
Theo báo Dân trí