Viện dược liệu – đơn vị đầu ngành nghiên cứu dược liệu Việt Nam
Viện Dược liệu được thành lập ngày 13/4/1961 theo quyết định của Bộ trưởng bộ y tế. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ toàn diện về dược liệu; tư vấn cho Bộ Y tế về công tác phát triển dược liệu; nghiên cứu hiện đại hoá thuốc y học cổ truyền; tổ chức sản xuất, kinh doanh và liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc và các chế phẩm khác từ dược liệu; đào tạo cán bộ chuyên ngành dược liệu.
Viện dược liệu – Bộ y tế
Nơi đây, hội tụ các Giáo sư,P.Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ đầu ngành trong lĩnh vực khoa học dược liệu,hóa dược. Viện là đơn vị số 1, đi đầu trong nghiên cứu khoa học, làm sáng tỏ về thành phần hóa học, tác dụng sinh học của nhiều cây thuốc; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, bảo tồn các cây thuốc dân tộc và tri thức bản địa về sử dụng các loài cây thuốc Việt Nam
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Viện đã xác định cần tập trung vào các nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu; nghiên cứu chọn tạo giống cây thuốc, trồng và tạo nguồn nguyên liệu phục vụ y học cổ truyền, nghiên cứu sản xuất thuốc từ dược liệu. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, đất nước hết sức khó khăn bởi chiến tranh, cấm vận, Viện đã chủ trì nhiều chương trình phát triển dược liệu như phát triển cây dầu giun để phục vụ chương trình phong chống bệnh giun sán. Quán triệt chủ trương của Ngành là “Thầy thuốc tại chỗ, thuốc tại chỗ”, Viện đã chỉ đạo hệ thống các Trạm Dược liệu làm tốt công tác phát triển dược liệu giúp các địa phương tự túc một phần nhu cầu thuốc từ nguồn dược liệu cho y tế địa phương và cho bộ đội. Bước vào công cuộc đổi mới của đất nước, đòi hỏi cán bộ của Viện phải đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, công tác nghiên cứu khoa học phải gắn liền với nghiên cứu ứng dụng, triển khai các sản phẩm khoa học phục vụ ngành, phục vụ đất nước và nâng cao đời sống cán bộ.
Trong nhiều năm trở lại đây, Viện đã đạt được một số kết quả nổi bật: Viện đã thực hiện 189 đề tài các cấp trong đó có 27 đề tài/dự án cấp nhà nước, 24 đề tài/dự án cấp Bộ, 25 đề tài/ dự án thực hiện với địa phương, đề tài NCS của Viện đã công bố khoảng 20 bài báo quốc tế (trên các tạp chí ISI) và khoảng 60 công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ Bộ Y tế giao cho Viện nghiên cứu để phát triển dược liệu. Viện thu thập, tư liệu hóa được 5.119 loài cây thuốc thuộc 1.823 chi, 360 họ phục vụ cho khai thác, sử dụng và quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu; bảo tồn và lưu giữ được 1.513 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại nhiều vùng sinh thái khác nhau như: Hà Nội, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sapa (Lào Cai), Thanh Hóa, Đà Lạt (Lâm Đồng), thành phố Hồ Chí Minh. 363 mẫu hạt giống đang được lưu giữ trong kho lạnh; bảo tồn và in vitro 12 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm và có giá trị kinh tế; bảo tồn trong cộng đồng 11 loài. 100% nguồn gen được bảo tồn và 197 loài được đánh giá chi tiết phục vụ công tác khai thác phát triển…
Không chỉ dừng lại ở quy mô trong nước, Viện dược liệu có kết hợp nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu nhiều dự án với các trường đại học, viện dược liệu nhiều nước trên thế giới: Newzeland, Nhật Bản, Hungary, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Lào
Hợp tác quốc tế
Cho tới nay, viện đã phát triển với 6 khoa chuyên môn và 8 trung tâm nghiên cứu, ứng dụng. Trung Tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ dược liệu ra đời là sự đánh dấu cho việc đưa ứng dụng kết quả các công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, trực tiếp cho ra đời rất nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nguồn gốc dược liệu Việt. Ngoài showroom trưng bày bán các sản phẩm của viện, trung tâm còn ký hợp đồng phân phối với các công ty dược phẩm có hệ thống phát triển. Từ năm 2021, công ty TNHH Phát Triển Tổng Hợp Đại Dương vinh dự được chọn là đơn vị đồng hành phân phối các thành phẩm qua kênh hiệu thuốc cả nước, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.